Xông thảo mộc là phong tục đẹp có từ lâu đời, giúp nhà cửa cũng như con người chuẩn bị chào đón năm mới nhiều sức khỏe và may mắn.
Tập tục xông nhà ngày tết của Việt Nam đã có từ lâu đời nay. Thường thì ai cũng nghĩ việc “xông nhà” là việc ai đó đến nhà mình chúc tết đầu tiên, hoặc bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới. Nhưng trong nghi thức xông nhà của người Việt xa xưa nó lại là việc chủ nhà cầm lư hương đốt bồ kết và thảo dược đi khắp các nơi trong nhà để tẩy uế năm cũ chào đón năm mới an lành, xua đi tà khí, thay đổi vận khí, làm ấm cúng trong ngôi nhà. Đem lại cho gia chủ điều may mắn và đem lại đời sống tâm linh cho mỗi con người.
Tác dụng của hương thơm thảo mộc
Hương thơm là tinh túy của thảo mộc, thời Ai Cập cổ, người ta coi dầu thơm mang năng lượng sống mạnh gấp 100 lần các loại cỏ thuốc và đã biết dùng hương thơm thảo mộc để chống khuẩn, tác động tới cảm xúc và thể chất, để giảm đau, thư giãn hay kích thích và chữa trị.
Hương thơm trong thảo mộc tác động tinh tế đến nhận thức và trực giác, có thể chữa lành và cân bằng tâm lý. Về ý nghĩa tâm linh trong dân gian, một số loại hương thảo mộc có thể trừ ám chướng, tà ma. Khi xông thảo mộc, các phần tử siêu nhỏ của tinh dầu dễ dàng thâm nhập vào da, phổi rồi qua mao mạch vào hệ thống tuần hoàn. Tinh dầu có chứa kháng sinh, lại có tác dụng chống nấm mốc, xua đuổi côn trùng, giúp diệt khuẩn trong không khí, tẩy uế mà còn tốt và dễ chịu cho hô hấp.
Những loại cây dùng xông Tất niên đều có mùi thơm đặc trưng và đều là những vị thuốc tốt: trầm hương, quế, hương nhu, sả, lá bưởi, mùi ta khô nguyên rễ, cúc tần, đại bi, vùng núi có thêm lá quế… quyện nhau, ngào ngạt, đặc trưng. Người Việt xưa dùng nước thơm đó tắm và xông hơi nhà cửa để tẩy trừ các mệt nhọc bận rộn của những ngày giáp tết, tẩy trục khí đen đủi của năm cũ để nghênh đón năm mới tinh khôi.
Các cách xông nhà và công thức thảo mộc thường dùng
Thông thường có hai cách xông nhà là xông ướt và xông khô.
Xông khô là đốt thảo mộc trực tiếp trên lửa, thảo mộc khô để nguyên miếng (bồ kết, vỏ quế, vỏ bưởi…) hoặc xay thành nhuyễn thành bột ép thành que nhang (trầm hương) hoặc từng viên hình chóp nhọn, được đốt trên lò than hồng nhỏ hoặc đốt trực tiếp trên viên hoặc nén nhang thảo mộc đó. Có thể đặt một chỗ để hương thơm lan tỏa tự nhiên hoặc cầm mang đi khắp các góc trong nhà để lan tỏa nhanh và sâu hơn. Xông nhà theo cách nguyên tắc từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.
Cách xông nhà cổ truyền nhất là dùng trầm hương đối với những nhà khá giả, trầm hương đốt lên nhang thơm nghi ngút, hoặc bình dân hơn thì chuẩn bị một bếp than hồng để rải bột xông tà khí được làm từ các loại thảo mộc có mùi thơm quen thuộc và dễ kiếm như bồ kết, vỏ bưởi… trong vườn nhà, hương thơm thảo mộc bốc lên theo làn khói.
Ngoài tác dụng của tinh dầu bốc lên thì cái nóng của lò than cũng làm ấm nhà cửa, xua đi cái lạnh của tiết trời đầu xuân.
Thời bây giờ, trầm hương thật khó kiếm, tục đốt lò than xông thảo mộc ở thành phố ít nhà nào làm vì phức tạp và sợ hỏa hoạn. Có thể dùng cách xông khác là xông ướt (xông bằng hơi nước).
Phương pháp xông ướt: các loại thảo mộc tươi hoặc khô được cho vào nồi cùng với nước lạnh, đậy nắp lại, nấu sôi lên. Khi nước sôi, mở lửa nhỏ, để hé vung cho hơi nước mang theo hương thơm từ từ bay lên phát tán vào không khí.
Các loại thảo mộc thường được dùng: bạc hà, ngải diệp, ngũ trảo, hoắc hương, đại bi, vỏ bưởi, sả, quế chi, mùi ta…
Xông tắm
Ngoài tục xông nhà, tục xông tắm trong ngày 30 Tết đã là một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam mỗi khi chuẩn bị đón một năm mới đang đến gần. Tục xông tắm rất phổ biến ở miền Bắc, cũng là sử dụng các loại thảo mộc, nhưng xông tắm sử dụng cho chính cơ thể con người, với những ý nghĩa tương tự như xông nhà: mang đến sự sạch sẽ, may mắn, tinh thần sảng khoái, chuẩn bị cho năm mới nhiều may mắn, tục nấu lá thơm tắm tất niên như một nghi lễ “dọn mình” trước lúc xuân về.
Xông tắm tất niên hay còn gọi là “tẩy trần, đón may” từ xa xưa truyền lại, nghĩa là, rửa sạch đi những nỗi buồn đau năm cũ, sẵn sàng cho một năm mới hanh thông thuận lợi, với ý nghĩa là gột rửa bụi trần, tắm rửa tinh thần, những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ. Một nắm các loại lá có hương thơm: lá mùi già, lá bưởi, lá quế, lá sả, xuyên tâm liên. Không chỉ mang lại mùi thơm và giúp cơ thể được sạch sẽ, kháng khuẩn, phòng ngừa cảm mạo do tiết lạnh đầu xuân.
Tục xông tắm trong ngày 30 Tết đã là một phong tục đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam
Thành phần: mùi(già), lá bưởi, lá quế, lá sả, xuyên tâm liên. Các loại lá này có thể dùng xông tắm toàn thân hoặc nấu nước rửa mặt suốt 3 ngày đầu năm mới.
Người xưa quan niệm mùi thơm của loại nước này sẽ đẩy lùi và rửa sạch những điều không tốt của năm cũ trên thân thể để đón chào năm mới với những điều tốt lành. Nước tắm được nấu từ cây mùi già, lá bưởi, đại bi, lá quế, xuyên tâm liên được cha ông ta dùng để tắm thơm cơ thể.
Khi xông tắm hoặc rửa mặt bằng nước nấu từ thảo mộc, con người luôn có một cảm giác thư thái, dễ chịu, tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng, tinh thần phấn chấn, tỉnh táo, tẩy trừ hết bụi bặm, những điều không may mắn của năm cũ để đón năm mới đến với một sự sạch sẽ, thanh khiết. Nước thơm ấm ngấm vào da thịt, hương thoang thoảng còn vương vấn trên cơ thể.
Cách sử dụng: dùng 1 nắm lá các loại. Đậy vung đun sôi 5 phút để ra hết dược chất. Đun khoảng 2 – 3 lít nước rồi pha đủ ấm trước khi rửa mặt.